Bắt nạt học đường và cách phòng tránh, đối phó

54036

Bắt nạt học đường không phải là vấn nạn mới xuất hiện trong trường học. Tuy nhiên học sinh vẫn không biết cách để ngăn chặn, phòng tránh và đối phó với hành vi này. Cùng Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam tìm hiểu về hành vi bắt nạt học đường và cách phòng tránh đối phó.

  • Bắt nạt học đường là gì?

Bắt nạt học đường là hành vi tiêu cực, dùng sức mạnh thể chất hay tinh thần để đe dọa, làm tổn thương đến người khác của một hoặc nhiều học sinh đối với những cá nhân khó khăn trong việc tự bảo vệ bản thân mình. Những học sinh bị bắt nạt thường có thể trạng nhỏ bé, yếu ớt không đủ sức chống lại. Hoặc đó là học sinh có vẻ ngoài khác biệt hay gia đình, hoàn cảnh sống, những thứ đã trải qua không giống với những học sinh khác.

  • Các hình thức của bắt nạt học đường?

Bắt nạt thể chất

Là hành vi làm đau về thể chất: đánh, ném đồ vật vào người, bắt trực nhật, không cho đi vệ sinh, bắt quỳ gối, bắt chở về nhà,… Các hành vi chiếm đoạt tài sản, đồ dùng học tập, bắt mua đồ ăn sáng, làm xịt lốp xe,… cũng thuộc về bắt nạt thể chất.

Bắt nạt tinh thần

Gồm những hành vi bắt ép làm bài tập, bắt cho chép bài. Tạo câu chuyện nhục nhã về đối tượng bị bắt nạt để làm niềm vui. Tung tin đồn, làm xấu mặt trước đám đông, chế nhạo về ngoại hình. Hay các hành vi cô lập, không cho chơi cùng, không cho tham gia vào các hoạt động. Quấy phá không cho học bài. Và các hành vi khinh thường, miệt thị làm cho đối tượng bị bắt nạt tự ti về bản thân.

  • Hệ quả của việc bị bắt nạt học đường?

Bắt nạt học đường có thể gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Gây chấn thương cho cơ thể của học sinh bị bắt nạt. Gây ảnh hưởng tâm lý nặng nề như tự ti, chán nản, sang chấn tâm lý, trầm cảm dẫn đến tự sát.  Những gì học sinh đã phải chịu đựng trong quá khứ cũng dễ dàng biến các em thành người gây ra hành vi bắt nạt. Việc học sinh bị bắt nạt học đường không chỉ gây ảnh hưởng ngay tại thời điểm đó. Mà hệ quả còn kéo dài đến tận sau này nếu hành vi bắt nạt quá nghiêm trọng.

  • Làm gì khi bị bắt nạt học đường?

Tìm sự giúp đỡ

Khi bị bắt nạt, bạn đừng giữ im lặng. Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người có thể bảo vệ bạn. Đó có thể là bạn bè, thầy cô, hay gia đình. Nếu cứ một mình chịu đứng và chống chọi, kẻ bắt nạt sẽ cho rằng bạn yếu thế và ngày một lấn tới. Tìm sự giúp đỡ của người khác là quyền tự vệ và được che chở của mỗi cá nhân. Bạn đừng cảm thấy xấu hổ hay tự ti mà không tìm sự giúp đỡ khi bị bắt nạt học đường. Đây là một dạng kỹ năng xử lý tình huống mà mọi học sinh đều cần học và ứng dụng.

Chơi cùng nhóm bạn

Trong cuốn sách “Đừng bao giờ đi ăn một mình”, các tác giả đã nói đến tầm quan trọng của đội nhóm đối với sự thành công. Còn với học sinh chúng ta, chưa nói đến thành công vội, chỉ nói đến học tốt, sống tốt thôi. Thì chúng ta cũng không nên hoạt động đơn độc, một mình. Khi bạn có đồng đội, bạn sẽ có thêm sức mạnh và chỗ dựa. Như vậy, các bạn học xấu sẽ không dám bắt nạt bạn nữa. Hoặc khi bạn bị bắt nạt học đường, cũng có những người sẵn sàng đứng ra bảo vệ bạn.

Ít nhất khi đi học, bạn cũng phải chơi với một vài người bạn nào đấy. Đừng tự cô lập bản thân với những người xung quanh bạn. Chắc chắn trong lớp bạn, hay trong trường bạn sẽ có những người bạn là dành cho bạn. Vậy nên, bạn đừng ngần ngại chơi cùng nhóm bạn để gia tăng sức mạnh và ngăn chặn nạn bắt nạt học đường nhé.

Tránh xa bạn xấu

Người xưa có câu “chọn bạn mà chơi”, “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Nếu bạn cảm thấy những người bạn xung quanh mình có ý xấu, hãy tránh xa từ sớm. Bạn nên tìm cách hạn chế số lần gặp mặt, không tham gia vào những sự việc có liên quan. Nếu bạn lo sợ mình không có bạn để chơi cùng. Thì bạn yên tâm, vẫn sẽ có những người bạn thật sự tốt với bạn đang ở đâu đó. Rồi bạn sẽ tìm thấy họ thôi. Đừng vì để có bạn chơi chung mà để bị bắt nạt học đường bạn nhé.

Quản lý cảm xúc giận dữ

Khi bạn càng tỏ ra giận dữ, thì kẻ bắt nạt lại càng khoái chí và tiếp tục hành vi bắt nạt. Vậy nên, thay vì có những phản ứng quá khích khi bị bắt nạt. Bạn cần bình tĩnh và tìm cách xử lý tình huống khéo léo nhất. Tất nhiên, khi bị rơi vào tình thế bị động, rất ít ai có thể bình tĩnh được. Vậy nên, nếu như hành vi bắt nạt học đường lặp đi lặp lại với bạn. Bạn cần có sự chuẩn bị tâm lý để đối phó với những lần sau. Hãy sáng suốt và tìm ra cách chấm dứt tình trạng đó. Bạn có thể áp dụng những biện pháp bên trên để xử lý vấn đề này.

Tự tin và có cái nhìn tích cực về bản thân

Khi ai đó chê bạn xấu, bạn béo, bạn gầy, hẳn nhiên bạn sẽ có cảm giác tự ti về bản thân. Thế nhưng điều đó lại tạo cơ hội cho những người bạn xấu tiếp tục chế nhạo bạn. Hãy học cách bỏ ngoài tai những câu nói đó. Đồng thời bạn hãy tự tin và có cái nhìn tích cực về bản thân mình. Bạn xấu hay đẹp không phải là lỗi của bạn. Bạn gầy hay béo đôi khi cũng không thể tự mình kiểm soát được. Gia đình bạn nghèo đấy là do bạn chưa may mắn, chứ không phải bạn thua kém. Trong tâm lý học có khái niệm “gaslight”  – thao túng tinh thần. Và bạn đừng để mình trở thành nạn nhân bị thao túng.

Còn với bắt nạt học đường về mặt thể chất, bạn hãy hành động những gì bạn cho là đúng. Và bạn sẽ vẫn đúng khi bạn tìm sự trợ giúp từ người khác. Đừng bao giờ bạn có ý nghĩ mình bị bắt nạt là đúng. Hay là bạn không bao giờ thoát ra khỏi được hoàn cảnh ấy. Hãy tin rằng mọi chuyện có thể chuyển biến theo hướng tích cực khi bạn dám đương đầu với nó. Và cùng ngăn chặn nạn bắt nạt học đường vì chính bạn và những người xung quanh.

Sưu tầm

Bình luận Facebook