Trẻ không chỉ được trang bị các kỹ năng thoát hiểm trong các tình huống khẩn cấp như cháy, nổ, bị kẹt trong thang máy và thoát hiểm khi bị bỏ quên trong xe ô tô, mà còn được làm quen với các thiết bị chữa cháy, trải nghiệm phương pháp thoát hiểm bằng thang dây khi ở nhà cao tầng. Với phương pháp kết hợp lý thuyết và thực hành trải nghiệm thực tế, giúp trẻ không chỉ nắm kiếm thức mà còn thực hiện thuần thục và hình thành kinh nghiệm ngay trong khóa học.
Đây là chương trình kỹ năng “Tự vệ thoát hiểm và ứng phó với các tình huống khẩn cấp” với chủ đề “Bảo vệ chính mình trong thời đại 4.0”, Do Trung tâm Thanh thiêu niên miền Nam thực hiện vào ngày 20/10/2019.
Trong chương trình, trẻ được các chú lính cứu hỏa trang bị các kỹ năng thoát hiểm khi bị cháy với các kỹ năng thực tế như:
- Nếu ở nhà cao tầng, chung cư khi ngửi thấy mùi khét, thấy khói hoặc lửa cần hô hoán, báo động, kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người và gọi ngay cho các chú lính cứu hỏa. Số điện thoại là 114.
- Khi xẩy ra cháy cần nhanh chóng di chuyển ra ngoài để thoát nạn , trong khi di chuyển nên mang theo khăn nhúng nước che mũi, miệng để thở, trường hợp không có khăn có thể sử dụng áo đang mặc kéo cao lên quá mũi để che mũi; cần hạn thấp trong tâm để hạn chế khí độc, men theo hai bên bờ tường hoặc cầu thang để di chuyển.
- Nếu ở chung cư, trẻ hãy di chuyển từ cửa căn hộ, theo hành lang, đến cầu thang bộ hay cửa vào buồng thang bộ gần nhất (có chữ EXIT màu xanh). Quan sát không có khói, hãy chạy xuống dưới mặt đất, trường hợp nếu có khói nhiều ở phía dưới hãy trở lại và di chuyển bằng cầu thang khác để xuống.
- Trường hợp có khói quá nhiều không thể di chuyển xuống phía dưới được hãy trở lại phòng của mình, đóng cửa chính lại (chỉ đóng cửa không được khóa) để hạn chế khói vào phòng, lấy điện thoại gọi ngay cho 114 thông báo con đang ở phòng số mấy của tòa nhà đang cháy. Bên cạnh đó, cần dùng khăn nhúng nước, chèn kín vào khe cửa căn hộ. Sau đó ra cửa sổ, ban công (ra hẳn ngoài ban công, đóng cửa ban công lại), dùng khăn, vải, áo sáng màu (màu đỏ là tốt nhất) vẫy và cầu cứu. Khi có lực lượng đến cứu, phải bình tĩnh làm theo hướng dẫn của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy.
- Trong trường hợp quần áo bị bén lửa phải nằm xuống và lăn người qua lại hoặc lăn tròn để làm tắt ngọn lửa.
Những lưu ý không thực hiện khi thoát hiểm cháy nổ
+ Không thoát hiểm bằng thang máy
+ Không di chuyển theo hướng lên tầng cao
+ Không khóa cửa chính, cửa sổ khi ở trong phòng tránh khói
+ Không nhảy từ trên lầu cao xuống khi đợi người tới cứu hộ
+ Không vào nhà tắm khóa cửa nhà tắm để lánh nạn
+ Không mở cửa để thoát hiểm khi thấy cửa nóng hoặc ấm.
Ngoài việc trang bị các kỹ năng thoát hiểm cần thiết trẻ còn được thực hành làm quen với bình chữa cháy, vòi phun nước và thực hành việc thoát hiểm bằng thang dây trong trường hợp bị cháy khu vực thang bộ không thể di chuyển bằng thang bộ xuống đất.
Buổi chiều trẻ được hướng dẫn hướng dẫn kỹ năng xử lý tình huống khi bị kẹt trong thang máy:
- Đầu tiên trẻ cần phải giữ bình tĩnh, hít thở sâu, nhắm mắt lại rồi từ từ mở ra để mắt quen với bóng tối
- Trong trường hợp thang máy rơi tự do hãy nằm song song với sàn nhà ngay lập tức, càng gần chính giữa thang càng tốt. Điều này sẽ giúp phân bố đều lực rơi lên toàn bộ cơ thể, giảm thiểu tối đa thương tích. Gối đầu lên một tay để tránh bị thương đầu, một tay che mặt để không bị các vật khác rơi lên mặt.
- Khi thang đứng yên và mắt đã quen với bóng tối, trẻ hãy thử bấm nút mở cửa. Nếu thang máy không có phản ứng thì hãy tìm cách liên lạc với bên ngoài bằng cách bấm nút gọi khẩn câp trong thang máy hoặc bằng điện thoại, nếu không có hoặc không phản ứng hãy gọi to, gõ vào cửa thang (nên lấy chùm chìa khóa, gót giày gõ, không nên giậm chân hay nắm tay nện vào cửa vì một số thang yếu dễ tròng trành làm mất bình tĩnh).
- Lưu ý: Trong thời gian chờ đợi, hãy cố giữ bình tĩnh và không nên tìm cách cậy cửa, hoặc tìm cách thoát ra ngoài bằng cửa thoát hiểm trên nóc cabin.
Ngoài ra các trẻ còn được trang bị Kỹ năng thoát hiểm khi bị bỏ quên trong xe ô tô.
- Thứ nhất, giữ bình tĩnh.
Bình tĩnh là yếu tố hàng đầu quyết định đến quá trình xử lý tình huống của trẻ, việc gào thét, khóc lóc có thể khiến trẻ nhanh chóng mệt mỏi, kiệt sức từ đó bỏ qua những cơ hội tăng khả năng thoát ra, trong khóa học vừa rồi các trẻ được thực hành giả định để làm quen với tình huống, đây là cách để các trẻ có thể giữ bình tĩnh nếu gặp tình huống xẩy ra tương tự.
- Thứ hai, hãy bấm còi xe.
Dù xe tắt máy hay rút khóa điện thì còi xe vẫn luôn hoạt động do sử dụng nguồn điện trực tiếp từ ắc-quy. Nếu chẳng may bị bỏ quên trên xe, hãy đi đến chỗ vô lăng và bấm còi. Việc gây tiếng ồn sẽ gây sự chú ý với mọi người xung quanh.
- Thứ ba, hãy nhấn đèn Hazard
Đèn Hazard được thiết kế nguồn điện riêng để lúc nào cũng sẵn sàng hoạt động. Đèn có hình tam giác và rất dễ thấy trên táp-lô buồng lái. Bấm đèn kết hợp với bấm còi sẽ gây sự chú ý cao hơn với người xung quanh và sẽ có người tới cứu.
- Thứ tư, hãy thử mở cửa để ra ngoài.
Đối với xe buýt, xe khách đời cũ cửa số được thiết kế khóa lẫy, nếu loại xe đời cũ hãy mở cữa sổ để thoát ra ngoài.
Đối với xe hơi đều thiết kế lẫy mở khóa cửa từ bên trong tại mỗi cửa lên xuống. Vì vậy, các bậc phụ huynh hãy dành thời gian dạy con cách bật lẫy này để mở cửa trong trường hợp khẩn cấp.
- Thứ năm, liên lạc ra bên ngoài, tạo sự chú ý với những người xung quanh
Nếu có đồng hồ thông minh, điện thoại trẻ hãy gọi điện cho người thân hoặc gọi cho lực lượng cứu hộ 113, 114 để cứu ra ngoài.
Trẻ cũng có thể tạo sự chú ý bằng cách gõ vào kính xe để tạo tiếng động và di chuyển ra khu vực kính trước buồng lái kêu cứu để mọi người xung quanh thấy và cứu giúp.
- Thứ sau, sử dụng búa thoát hiểm để phá kính trong trường hợp bất đắc dĩ.
Các xe khách chở học sinh hầu hết có búa thoát hiểm. Trường hợp bất đắc dĩ, trẻ có thể dùng búa thoát hiểm. Búa thoát hiểm thường được thiết kế có đầu nhọn để tập trung gia lực. Do đó, với một lực nhỏ của trẻ cũng có thể đập vỡ kính mà không cần quá nhiều sức. Mặt khác, kính xe luôn thiết kế là kính an toàn, nên khi đập vỡ, kính sẽ vỡ vụn dạng hạt ngô, không có mảnh sắc. Thế nên, phụ huynh yên tâm khi trẻ dùng búa đập kính sẽ không gây tổn thương đến trẻ. Trong trường hợp không có búa thoát hiểm trẻ có thể sử dụng bình chữa cháy hoặc các vật dụng khác để thay thế.
Một ngày học kỹ năng thật bổ ích đối với trẻ, trẻ không chỉ được trang bị kỹ năng mà điều quan trọng trẻ đã được trải nghiệm qua những tình huống đó, đây là một kinh nghiệm vô cùng quý báu mà chỉ có trải nghiệm mới có được, trong trường hợp gặp các tình huống tương tự, trẻ không hoảng loạn, lo lắng mà sẽ bình tỉnh và tự tin hơn để xử lý tình huống theo kỹ năng đã được học.