Ký ức Học kỳ Quân đội lần đầu tiên năm 2008 – “Bản trường ca còn vang mãi”

2133
KÝ ỨC HỌC KỲ QUÂN ĐỘI LẦN ĐẦU TIÊN NĂM 2008
BẢN TRƯỜNG CA CÒN VANG MÃI

Tác giả: Nguyễn Tuấn Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm TTN Miền Nam
 – – – – – – – – – – – – – – – –

 

Vào thời điểm Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam bước vào tuổi 25 thì mô hình Học kỳ quân đội tại Việt Nam cũng đã đi qua 13 năm thử nghiệm và tổ chức trên quy mô lớn, vậy mà ký ức về những năm tháng tổ chức Học kỳ quân đội đầu tiên tại Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam vẫn còn đọng mãi trong trái tim những người thực hiện chương trình này.

Mở màn chiến dịch Học kỳ trong quân đội:

Những ngày đầu hè tháng 5 năm 2008, sau những thai nghén, ấp ủ cho một chương trình trải nghiệm đặc sắc dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên, một ê kíp đã được thành lập, chuẩn bị cho chiến dịch mở màn, đó là các anh chị trong Ban Giám đốc Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam và một vị khách đặc biệt với vai trò vừa là tác giả, biên soạn và đạo diễn – Anh Nguyễn Thành Nhân lúc đó còn là cộng tác viên của Trung tâm. Nội dung Chương trình HKQĐ nhanh chóng được thông qua với sự thống nhất rất cao, các thành viên hối hả bắt tay vào công việc. Phương án xây dựng và tổ chức mô hình huấn luyện Học kỳ quân đội được gấp rút báo cáo cho Ban Bí thư Trung ương Đoàn. Đồng chí Võ Văn Thưởng, lúc đó là Bí Thư thứ nhất BCH TW Đoàn (hiện nay là UV Bộ Chính trị Thường trực Ban Bí Thư TW Đảng) đã đồng ý ngay và phê chuẩn: “Đây là một sáng kiến hay, tôi hoan nghênh và tổ chức thật tốt, rút kinh nghiệm để nhân rộng, trao đổi Báo Thanh niên, Tiền Phong tuyên truyền về hoạt động này”.

Những khó khăn ban đầu tưởng như bế tắc, đó là công tác bảo mật trong các đơn vị quân đội vì chưa có tiền lệ khi cho các cơ quan dân sự vào sinh hoạt, ăn nghỉ, huấn luyện trong doanh trại quân đội, đặc biệt là đối tượng học sinh, thanh thiếu niên. Thế rồi mọi khó khăn cũng từng bước được tháo gỡ. Trung tâm đã chọn một đơn vị kết nghĩa Với Trung ương Đoàn để tổ chức chương trình huấn luyện – Trung đoàn bộ binh 88 (đơn vị Anh Hùng LLVT), thuộc Sư đoàn 302, Quân khu 7 đóng tại Cẩm Mỹ, Đồng Nai.

Lễ xuất quân – thời khắc tự hào:

Sau những ngày truyền thông, chiêu sinh, họp báo, và chuẩn bị cơ sở vật chất, hậu cần, biên chế ban chỉ đạo, ban tổ chức, điều phối viên… ngày xuất quân đã được tiến hành trong sự hồi hộp, vui mừng, phấn khởi của Ban tổ chức, sự hài lòng của phụ huynh và sự ngỡ ngàng của 84 chiến sỹ nhí. Lễ dâng hoa và xuất quân tại tượng đài Bác Hồ đã được lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, Bà Nguyễn Thị Thu Hà – lúc đó là phó chủ tịch UBND TP.HCM đã đến dự và phát biểu đánh giá:

“Đây là một hình thức giáo dục rất có ý nghĩa, một chương trình huấn luyện mang tính tương tác cao, tại các môi trường giáo dục khá lý tưởng trong quân đội và gắn với thiên nhiên. Với tiêu chí đặt ra của chương trình là “Thép đã tôi thế đấy” tôi đề nghị ban tổ chức giáo dục thêm cho các em hiểu về PAVEN, hiểu về anh Nguyễn Văn Thạc, chị Đặng Thuỳ Trâm; làm sao những nhân vật này thật sự là những tấm gương để các em noi theo trong hành trang vào đời của mình, mỗi em mỗi tính cách, nhưng lòng tự hào dân tộc, yêu nước, thương người sẽ được hun đúc và nâng cao hơn nếu như chúng ta biết khơi nguồn cho các em; các em sẽ trưởng thành hơn. Tôi hy vọng đây là lần đầu tiên, nhưng chương trình này sẽ được nhân rộng trên phạm vi cả nước”.

Hành trình 10 ngày quân ngũ:

Đúng 06h00, ngày 05/7/2008 Đoàn mô tô xuất phát, hú còi, dẫn đường cho đoàn xe chở các chiến sỹ nhí tiến về hướng miền Đông Nam bộ, sau hơn 2 giờ di chuyển một doanh trại quân đội sạch sẽ, rợp bóng cây hiện ra đẹp như bức tranh, các chiến sỹ nhí đi từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác… sau phút tập trung điểm danh và biên chế tiểu đội, các chiến sỹ theo mệnh lệnh thực hiện các công tác hàng ngày như học tập nội quy, nội vụ, huấn luyện quân sự, các chuyên đề kỹ năng sống, kỹ năng xã hội, các bài phối hợp ngoài thao trường, sinh hoạt tập thể teamuilding, thể dục thể thao, tăng gia sản xuất… được xây dựng bài bản, khoa học. Những ngày xa nhà là những trải nghiệm đầu tiên trong đời, cũng là những ngày nhớ nhung gia đình, nhớ những bữa cơm quen thuộc, nhớ căn phòng với nệm ấm chăn êm, bao ký ức ùa về khi nhận những lá thư từ gia đình hỏi han động viên, khích lệ. Cảm xúc trào dâng khi lần đầu tiên các chiến sỹ tự viết những dòng thư tay gửi về cho gia đình, cứ thế mỗi ngày từ lạ đến quen rồi thân thiết nhau từ bao giờ, nề nếp tác phong ngày càng được nâng lên. Lịch huấn luyện, học tập, sinh hoạt dày đặc, mệt thì có mệt đó nhưng khi bản nhạc dân vũ nổi lên, như có thêm nguồn sinh lực, các chiến sỹ nhí tạm ngừng hết các công việc để thể hiện năng khiếu bản thân. Thế mới biết sự tài tình của những người xây dựng chương trình thật là khoa học, hợp lý.

Một kỷ niệm khó quên của chúng tôi, những người làm chương trình, đó là sự cố trong ngày hành quân đêm, hôm ấy đoàn đã di chuyển về đơn vị đóng quân gần rừng Nam Cát Tiên, do sơ xuất ban tổ chức không báo cáo với chính quyền địa phương. Trong đêm tối từng cánh quân nhí hàng ngũ chỉnh tề, với quân phục rằn ri (K07), ba lô trên vai, tay chống gậy, lầm lũi, lặng lẽ đi trong đêm tối… nhân dân địa phương thấy hoang mang không biết chuyện gì đang sảy ra và cấp báo với chính quyền xã, xã báo lên quân sự huyện, Huyện báo lên quân sự tỉnh… thế là BTC lại được một phen đi giải trình lý do… và cũng nhanh chóng được thông cảm. Đây cũng là bài học rút kinh nghiệm cho các chương trình sau này.

Trước ngày hoàn thành đợt huấn luyện tại Trung đoàn, đêm văn nghệ giao lưu và những phút chia tay đơn vị quân đội, chia tay các anh tiểu đội trưởng, bao cảm xúc, sự luyến lưu trào dâng, những giọt nước mắt lăn dài hẹn ngày gặp lại. Các chiến sỹ tiếp tục di chuyển về Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam để tham gia công tác thiện nguyện, giao lưu và chia tay, kết thúc 10 ngày tham gia chương trình đầy cảm xúc.

Những ký ức còn mãi:

Điều đọng lại cho chúng tôi những người tham gia tổ chức chương trình lần đầu tiên, đó là: Học kỳ quân đội ra đời thật đúng lúc, nó như dòng suối trong tưới mát cánh đồng khô hạn, thỏa nỗi khát vọng của các bạn trẻ về những sân chơi bổ ích, hấp dẫn, mang tính giáo dục cao. Sự ngạc nhiên đến vỡ oà mọi cảm xúc của các bậc phụ huynh khi tìm ra được một sân chơi lý tưởng để yên tâm gửi gắm con em mình và chính chương trình Học kỳ quân đội ngày ấy đã gây tiếng vang lớn, lan tỏa rất nhanh như một hiện tượng trong xã hội, chính vì vậy đã được nhiều tờ báo trong nước và ngoài nước đưa tin, ca ngợi. Ban Bí thư Trung ương Đoàn nhận định học kỳ quân đội là một chương trình giáo dục kỹ năng tổng hợp, sáng tạo dành cho lứa tuổi thanh thiếu nhi và cần được chuyển giao, nhân rộng cho các cơ sở Đoàn trên phạm vi cả nước.

Ngày nay chương trình Học kỳ quân đội được Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam khai sinh trở thành tài sản chung của tổ chức Đoàn-Hội-Đội, được các tỉnh, thành Đoàn trên cả nước tổ chức hàng năm, có sức sống bền vững và vẫn còn nguyên ý nghĩa, giá trị trong công tác giáo dục, huấn luyện kỹ năng cho thanh thiếu niên Việt Nam./.

TP. Hồ Chí Minh, Tháng 4/2021

Bình luận Facebook