Sáng ngày 6-4, Hội trại “Tự hào nòi giống Tiên Rồng lần 9-2017″ đã khai mạc tại Khu tưởng niệm các vua Hùng thuộc công viên Lịch sử văn hóa dân tộc (Q.9, TP.HCM).
Hơn 1.500 trại sinh của các trường đại học, cao đẳng và các đơn vị Đoàn trên địa bàn TP.HCM đã tham gia dựng lều trại, thi cắm hoa, trang trí mâm ngũ quả, đọc sách tại gian hàng sách, viết thư pháp, biểu diễn võ thuật vovinam, triển lãm ảnh … Trên tinh thần đó, các trại sinh tham gia hội trại năm nay đã được tham gia, trải nghiệm nhiều sân chơi lịch sử thú vị, như: các hội thi tìm hiểu lịch sử dân tộc, sinh hoạt lửa trại…
Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam là 1 trong các đơn vị Đoàn tham gia tại hội trại lần này với lực lượng nòng cốt là cán bộ Đoàn thuộc chi Đoàn của trung tâm với nhiều hoạt động bổ ích và lý thú.
Hội trại có ý nghĩa to lớn trong giáo dục truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ nhớ về các vua Hùng và các bật tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước. Đồng thời, góp phần tạo sân chơi lịch sử bổ ích, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trong lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Dưới đây là 1 số hình ảnh của Chi đoàn Trung tâm tham gia tại hội trại
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba.”
Hai câu thơ trên có lẽ đã quá quen thuộc với tất cả chúng ta- những “con Rồng cháu Tiên”. Hàng năm cứ đến dịp giỗ Tổ Hùng Vương, dân tộc Việt Nam ta lại cùng nhau nhớ về cội nguồn và biết ơn công lao dựng nước của các vị vua Hùng. Qua những truyền thuyết gắn liền với các đời vua Hùng, lớp lớp thế hệ trẻ chúng ta mới biết đến tổ tiên, quá trình dựng nước của 18 đời vua Hùng và hơn hết là thấm nhuần bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam đã được hình thành và lưu giữ từ những năm đầu các vua Hùng dựng nước.
Từ những ngày bé thơ, ta đã được nghe những truyền thuyết Lạc Long Quân- Âu Cơ, Thánh Gióng, Sự tích Bánh chưng bánh dày, Sự tích dưa hấu Mai An Tiêm,… Những câu chuyện đã khắc sâu trong tâm trí chúng ta về truyền thống dựng nước và giữ nước hào hùng, đồng thời còn là những truyền thống văn hóa, đạo đức hầu hết đều được lưu giữ đến ngày nay. Nay đến dịp giỗ Tổ, chúng ta lại cùng nhau ôn lại những truyền thống ấy qua những câu chuyện cổ tích gắn liền với các đời vua Hùng, như một cách tưởng niệm và bày tỏ lòng biết ơn tới tổ tiên chúng ta.
Lạc Long Quân là con của Kinh Dương Vương ( thủ lĩnh vùng Lĩnh Nam) và con gái Long Vương, có tài đi dưới nước như đi trên cạn. Lạc Long Quân nên duyên với Âu Cơ, ít lâu sau Âu Cơ sinh ra một cái bọc trăm trứng, nở thành trăm người con trai. Vì nhớ chốn thủy phủ, Lạc Long Quân mang năm mươi người con xuống biển, Âu Cơ mang năm mươi con lên núi, chia nhau ra cai quản mọi miền. Người con trưởng ở lại đất Phong Châu, được tôn làm vua nước Văn Lang lấy hiệu là Hùng Vương. Ngôi vua đời đời gọi chung một danh hiệu là Hùng Vương. Từ đó nước Nam ta duy trì được mười tám đời vua Hùng. Truyền thuyết này gợi nhớ cho chúng ta về sự ra đời của nước Việt thuở sơ khai, công lao to lớn của các vua Hùng đã có công dựng nước.
Đất Việt ta có địa thế tốt, tài nguyên giàu có, khí hậu ôn hòa thuận lợi trồng trọt, chăn nuôi, lại có cảnh sắc thiên nhiên phong phú, cũng vì thế mà trở thành niềm mơ ước của những thế lực bên ngoài có âm mưu xâm chiếm. Ta lại nhớ đến Thánh Gióng ở đời vua Hùng thứ sáu, giết giặc Ân đem yên bình cho muôn dân. Từ cuộc chiến với giặc Ân là điển hình, còn biết bao cuộc chiến khác trong quá trình dựng và giữ nước mà dưới bàn tay trị vì của các vua Hùng, nước nhà vẫn được giữ vững và phát triển. “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.” Lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thật đúng đắn bởi công lao dựng nước của các vị vua Hùng thực sự không gì sánh bằng! Từ thuở đất Việt còn hoang sơ, dân cư thưa thớt, nền kinh tế chưa ổn định trở thành một nhà nước có quy mô, thực sự là một quá trình gian khổ và nhiều thách thức. Tuy cũng có những thất bại nhưng công ơn dựng nên nhà nước của các vị vua Hùng là tiền đề cho đất nước ta có chỗ đứng và tiếp tục phát triển qua nhiều thế hệ.
Bàn về câu chuyện bản sắc dân tộc, đất nước ta đang hội nhập nhưng những giá trị đạo đức và văn hóa vẫn được lưu giữ và nhắc đến trong những câu chuyện xoay quanh chủ đề “truyền thống”. Còn nhớ sự tích bánh chưng bánh dày, con trai Lang Liêu thứ 18 của vua Hùng thứ sáu đã được lòng cha bởi hai thứ bánh tượng trưng cho trời- đất, làm ra từ chính nguyên liệu lúa gạo có sẵn, mộc mạc mà ý nghĩa. Hai thức bánh ấy trở thành biểu tượng không thể thiếu cho mâm cỗ ngày Tết Nguyên đán dâng lên ông bà tổ tiên của người Việt cho đến nay. Người Việt ta còn duy trì được nhiều giá trị đạo đức từ thời xa xưa, trở thành những chuẩn mực đạo đức, thước đo nhân cách của con người. Hẳn nhiều người sẽ không quên những câu chuyện đầy tính nhân văn từ đời các vua Hùng như: Sự tích trầu cau (đời Hùng Vương thứ tư), gợi cho ta về mối quan hệ gắn bó keo sơn giữa những người anh em trong gia đình, sự chung thủy của người vợ người chồng; Sự tích Chử Đồng Tử- Tiên Dung lại truyền cho ta lối sống bình đẳng, bao dung và độ lượng, tình nhân ái giữa người với người; hay là Sự tích quả dưa hấu- Mai An Tiêm, nhận thấy sự nỗ lực chăm chỉ cố gắng không ngừng của Mai An Tiêm, vua Hùng Vương thứ 18 đã đưa chàng và gia đình trở lại cung điện, nhân dân lại có thêm loại hạt giống mới để trồng trọt phát triển kinh tế,…
Vua có đức thì dân mới lấy đó mà học theo. Qua nhiều truyền thuyết, có thể thấy các vị vua Hùng đều là những bậc hiền tài có tầm nhìn xa trông rộng, biết trọng dụng người tài để phụng sự cho đất nước. Tài trị vì của các vị vua còn thể hiện qua việc, người Việt lưu giữ rất lâu những chuẩn mực đạo đức cho tới ngày hôm nay: cần- kiệm- liêm- chính, sống đời sống nhân ái, nghĩa tình, có trước có sau, luôn nhớ về tổ tiên nguồn cội. Có thể nói, công ơn của các vị vua Hùng còn ở việc định hình cho dân tộc Việt Nam một lối sống đức hạnh, một nền văn hóa tốt đẹp và có bản sắc riêng, làm nền tảng cho những thế hệ sau nối tiếp giữ gìn.
Đâu đâu trên thế giới đều phải nghe tiếng đất Việt ta: bé nhỏ mà kiên cường, vượt qua bao cuộc chiến tưởng như không cân sức mà đứng vững tới hôm nay. Công đầu không thể không nói đến là của các vị vua Hùng, dựng nước và giữ nước, duy trì những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Là những người trẻ năng động, chúng ta phải biết tự hào vì nguồn gốc của mình, tự hào để càng cố gắng học tập và lao động giúp ích cho đất nước, để làm sao xứng đáng với công ơn của các vị vua Hùng, đưa đất nước càng ngày càng tiến lên tầm cao mới.
YẾN NHI.