Dẫn nhập
Ai cũng đã từng bước qua giai đoạn tuổi thanh thiếu niên đều hiểu hết được những khó khăn và thách thức mà mình đã trải qua. Đặc biệt, phải kể đến sự chuyển biến tâm sinh lý – lứa tuổi mà các nhà khoa học gọi là “tuổi nổi loạn”, “tuổi khủng hoảng” bởi muốn khẳng định cái “tôi” cá tính của mình. Chính những vấn đề tâm lý lứa tuổi ấy khiến cho nhiều em đôi lúc không hiểu được mình, không biết mình nên làm sao và làm thế nào cho đúng, cho phù hợp. Trong chính lứa tuổi ấy lại có muôn vàn cá tính thể hiện như: một số em học giỏi, say mê thể thao, biết giúp đỡ người khác… nhưng lại có những em thể hiện mình bằng lối ăn mặc khác người, cư xử thô bạo với bạn bè do không chế ngự được cảm xúc hoặc ngược lại – thờ ơ với cuộc sống xung quanh, bạn bè, gia đình. Lại có những em hay lo âu, trầm cảm, sống thu mình trong thế giới riêng. Có trẻ hiếu động nhưng cũng có không ít em lại rất dễ giận hờn, sống trong sự nuông chiều, chán nản khi gặp thất bại và dễ xung đột với nhau cũng như với những người xung quanh. Chính vì lẽ đó mà nhiều bậc phụ huynh và cả những nhà giáo dục băn khoăn và thậm chí là thở dài trong nỗi lo lắng.
Theo kết quả tổng kết sơ bộ của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an), tháng 6 tháng đầu năm 2011, Cục đã xử lý 15.000 vụ phạm pháp hình sự, xử lý trên 22.000 đối tượng, trong đó có hơn 75% là thanh thiếu niên. Theo báo cáo của TS Ngô Hoàng Oanh (Giảng viên Khoa Đào tạo Luật, Học viên Tư pháp), một trong các nguyên nhân chính dẫn đến lứa tuổi này phạm tội là:
- Thiếu sự chăm sóc quản lý từ gia đình.
- Sự thay đổi quá nhanh của xã hội khiến các em không kịp thích ứng.
- Đang phát triển trong giai đoạn “tuổi nổi loạn” lại thiếu sự ổn định, xốc nổi, thiếu kỹ năng sống cần thiết.
- Và thực tế không thể phủ nhận đó là sự bùng nổ công nghệ thông tin.
Đứng trước những vấn nạn trên, nhiều phụ huynh trở nên mất phương hướng trong việc giáo dục, quản lý con. Nhiều nhà giáo dục cảm thấy bất lực trước các em, các em bỏ ngoài tai những lời giáo huấn của cha mẹ/thầy cô/anh chị em xung quanh. Họ than phiền và lo lắng: “Nó nghe bạn nó hơn tôi, bây giờ nó lớn rồi tôi chả bảo được nó…”. Tất cả những phân tích, ví dụ trên cho thấy, vấn đề giáo dục trẻ ngày nay là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, gian khổ cho những nhà giáo dục (chỉ chung cha mẹ, thầy cô, các chuyên viên hoạt động trong lĩnh vực xã hội – giáo dục – tâm lý – kỹ năng,…). Để giáo dục trẻ đòi hỏi các nhà giáo dục cần phải có tình thương, sự hi sinh và biết vận dụng phương pháp giáo dục khoa học kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn, đào sâu vào từng chuyên đề để tìm nguồn căn và hướng giải pháp hiệu quả mới mong đạt được kết quả tốt đẹp.
- Cơ sở khoa học của phương pháp tiếp cận kỹ năng sống
Mô hình tiếp cận kỹ năng sống dựa trên bốn trụ cột của giáo dục, đó là: học để biết, học để chung sống, học để tự khẳng định mình và học để làm.
Học để biết
Kỹ năng sống liên quan đến kiến thức |
PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN KỸ NĂNG SỐNG |
Học để tự khẳng định mình
Kỹ năng sống liên quan đến giá trị |
Học để sống chung
Kỹ năng sống liên quan đến thái độ |
Học để làm
Kỹ năng sống liên quan đến hành vi |
Dựa vào mô hình này chúng ta thấy rằng cần phải xây dựng biện pháp tác động tâm lý được căn cứ vào chức năng của quá trình giáo dục. Giáo dục chủ động và tương ứng bằng nhiều cách thức và biện pháp khác nhau. Cách thức tác động phải được đưa vào nhiều môn khoa học khác nhau. Ở đó nội dung và cách thức rèn luyện kỹ năng sống có thể được lồng ghép vào các nội dùng giảng dạy hay được tổ chức thành một quá trình học tập chuyên nghiệp để trang bị, hình thành và phát triển kỹ năng sống.
Mô hình tiếp cận kỹ năng sống dựa vào mô hình cấu trúc nhân cách
Với cấu trúc của nhân cách, chúng ta thấy rằng nội dung và biện pháp rèn luyện kỹ năng sống sẽ được xem như là một lĩnh vực song song cùng với việc giáo dục về mặt đạo đức để tạo ta những nội dung giáo dục toàn diện về nhân cách của một người. Như vậy, để thiết lập các biện pháp tác động tâm lý nhằm hình thành và phát triển kỹ năng sống ở thanh thiếu niên và phải đặt kỹ năng sống trong mối quan hệ với các thành phần khác của nhân cách. Bên cạnh đó, xây dựng mô hình kỹ năng sống phải dựa trên chuẩn kiến thức và kỹ năng cơ bản của các môn khoa học khác.
- Khái niệm phát triển kỹ năng sống cho thanh thiếu niên
- Khái niệm phát triển?
Phát triển theo chủ nghĩa duy vật biện chứng chính là sự thay đổi một cách có tổ chức, chủ động thay đổi theo chiều hướng đi lên, mang tính tích cực, hiệu quả.
Khái niệm “phát triển” và khái niệm “vận động” có sự khác nhau:
Vận động là mọi biến đổi nói chung, chưa nói lên khuynh hướng cụ thể: đi lên hay đi xuống, tiến bộ hay lạc hậu, còn phát triển là sự biến đổi về chất theo hướng hoàn thiện của sự vật.
Phát triển là quá trình phát sinh và giải quyết mâu thuẫn khách quan vốn có sự vật, là quá trình thống nhất giữa phủ định những nhân tố tiêu cực và kế thừa, nâng cao nhân tố tích cực từ sự vật cũ trong hình thái mới của sự vật. [1]
Như vậy, khi bàn đến phát triển, chúng ta cần quan tâm đến các vấn đề:
- Có sự thay đổi theo chiều hướng tốt hơn
- Có sự kế thừa những gì đã và đang tồn tại trước đó
- Kết quả mang lại hạn chế được các rủi ro và tiết kiệm được các nguồn tài nguyên (cơ sở vật chất, tài chính,…)
- Khái niệm phát triển kỹ năng sống?
Nhìn từ góc độ kỹ năng sống, phát triển kỹ năng sống là hành động giúp mỗi cá nhân chủ động lựa chọn cách thức, con đường để tích lũy kinh nghiệm, dựa trên mục đích của từng cá nhân để hoàn thiện bản thân và hội nhập với môi trường xã hội.
Tuy nhiên, do đặc điểm tâm sinh ký lứa tuổi thiếu niên, các em chưa đủ nhận thức, kinh nghiệm để lựa chọn những kỹ năng, cách thức hình thành kỹ năng,.. vì vậy, người lớn phải làm nhiệm vụ đó thay cho các em. Ví dụ, trong gia đình thì cha mẹ có trách nhiệm định hướng, tạo điều kiện để con cái thể hiện bản thân, rèn luyện kỹ năng sống. Ở nhà trường phải tổ chức hoạt động rèn luyện kỹ năng một cách có kế hoạch, có sự định hướng, rõ ràng và có môi trường thực hành. Còn ở xã hội, thường xuyên tổ chức những hoạt động mang tính chất cộng đồng, nhằm phát triển nhiều kỹ năng, khả năng của các em. Với sự “giúp sức” này thì lứa tuổi thanh thiếu niên sẽ có nhiều cơ hội được tiếp cận, được dạy dỗ sẽ đảm bảo được nguyên tắc “vừa mang tính lý luận vừa gắn liền với thực tiễn”, có như vậy thì kỹ năng sống được hình thành, củng cố và phát triển một cách có hiệu quả.
- Nguyên tắc phát triển kỹ năng sống?
Con đường phát triển kỹ năng sống cho thanh thiếu niên có sự “giúp sức” của nhiều lực lượng có ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của thiếu niên. Xây dựng biện pháp phát triển kỹ năng sống cho học sinh cần đảm bảo đúng nguyên tắc, tính chất của quá trình phát triển:
- Đảm bảo tính khách quan của sự phát triển: Phát triển kỹ năng sống không phải là sự ép buộc một cách khiên cưỡng từ phái người dạy, phải bắt nguồn từ nhu cầu và năng lực của người trực tiếp tiếp cận. Bắt đầu từ những điều đơn giản, những giá trị hiện hữu trong cuộc sống của thanh thiếu niên.
- Đảm bảo tính phổ biến: Phát triển kỹ năng sống không phải là từng giai đoạn cụ thể, không phải phát triển với sự riêng lẻ, rời rạc, phát triển kỹ năng sống đảm bảo tính thống nhất, liên tục trong cả một quá trình, với nhiều yếu tố liên quan. Phát triển kỹ năng sống gắn với chủ thể, hoàn cảnh lịch sử xã hội, với hệ thống kỹ năng phù hợp và đảm bảo mối quan hệ, tác động qua lại giữa các thành tố.
- Đảm bảo tính đa dạng, phong phú: Phát triển kỹ năng sống đảm bảo tính cá nhân, tính chủ thể, mỗi cá nhân cần hình thành, củng cố và phát triển các kỹ năng sống khác nhau. Hoặc có thể cùng một kỹ năng nhưng ở các cá nhân khác nhau phải có cách thức khác nhau, lượng giá kết quả mức độ đạt được cũng phải khác nhau. Phát triển kỹ năng sống hạn chế tối đa việc “quy về một mối” trong việc xây dựng chương trình, chuyển tải và cả đánh giá.
- Đảm bảo tính thực tiễn: Phát triển kỹ năng sống dựa trên yêu cầu thực tế của xã hội, của cá nhân. Điều này cần thể hiện rõ với mỗi quốc gia, địa phương – vùng miền khác nhau cần có chương trình huấn luyện kỹ năng sống khác nhau.
(còn tiếp)
Tổng hợp: Minh Sơn