Cha mẹ cần nắm được 5 giai đoạn phát triển tâm sinh lý quan trọng ở bé gái mới mong giúp con phát triển các kỹ năng cũng như hướng dẫn con khơi dậy các giá trị bản thân.
Ngày nay, con gái không còn là những cô nàng yểu điệu thục nữ sau song cửa tường cao. Từ nhỏ, các bé gái đã được trao quyền bình đẳng như các bé trai từ điều kiện vật chất cho đến cơ hội học hành. Tuy nhiên, nuôi dạy con gái thế nào là điều trăn trở của bố mẹ.
Nhà tâm lý học người Úc Steve Biddulph trong quyển sách bán chạy nhất “Raising girls” – “Nuôi dạy con gái” đã chia quá trình phát triển tâm sinh lý của các bé gái thành 5 giai đoạn. Cha mẹ cần hiểu rõ các giai đoạn này để giáo dục con gái ‘trúng đích”, cho con chính xác những gì cần nhất để con phát triển bản thân toàn diện và tối ưu.
Giai đoạn 0 – 2 tuổi: Bé cần cảm giác an toàn
Trẻ trước hai tuổi phụ thuộc rất lớn vào sự chăm sóc của cha mẹ. Trong mắt trẻ nhỏ, cha mẹ là cả thế giới của chúng, đặc biệt là mẹ, người gắn bó với con từng miếng ăn giấc ngủ.. Trong giai đoạn này, điều cha mẹ cần làm là giúp bé gái cảm nhận được sự an toàn và yêu thương.
Do đã có sự gắn kết từ khi còn trong bào thai nên ngay từ lúc mới chào đời, bé dễ dàng nhận ra và yêu thích giọng nói của mẹ. Chính giọng nói của mẹ là thứ mang lại cho con cảm giác thoải mái, yên tâm. Vì vậy. mẹ hãy thường xuyên trò chuyện với con nhé.
Nguồn ảnh: Internet
Tóm lại, sự chăm sóc tốt của cha mẹ, đáp ứng kịp thời những nhu cầu về thể chất (ăn uống, vận động…) và nhu cầu về tình cảm (trò chuyện, ôm ấp, chơi với con…) sẽ mang lại cho bé gái 2 điều cơ bản là an toàn và yêu thương.
Giai đoạn 2 – 5 tuổi: Bé cần khám phá chính mình và thế giới
Ở giai đoạn này, cha mẹ đừng gò bó con. Đừng để cho định kiến con gái nhu mì con trai hiếu động hạn chế các bé gái bộc lộ tư chất, khả năng thiên bẩm.
Cha mẹ hãy tạo điều kiện để con gái thoải mái làm những gì con thích, từ vẽ tranh, may đồ cho búp bê, lắp ráp robot đến nhảy dây, đá bóng… Đặc biệt, hãy cho con hòa mình vào thiên nhiên, hái hoa bắt bướm, dầm mưa dãi nắng… Cha mẹ cũng sẵn sàng trả lời cho con các câu hỏi “tại sao”.
Thông qua đó, nhận thức của các bé gái về thế giới được “khai mở”, khả năng tư duy và quan sát được trau dồi, các giác quan được kích thích trong quá trình hoàn thiện.
Giai đoạn 5 – 10 tuổi: Bé học cách kết bạn
Có một người bạn tốt là có cả kho báu. Tình bạn là một trong những thứ quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi con người. Với trẻ nhỏ nói chung và bé gái nói riêng, thông qua mối quan hệ bạn bè, trẻ sẽ rèn luyện được nhiều kỹ năng xã hội, nhất là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử. Việc thiếu bạn bè sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với tâm lý và sự phát triển của trẻ.
Vậy nên, trong giai đoạn này, cha mẹ hãy tạo điều kiện để con tiếp xúc với các trẻ cùng lứa tuổi, cho con tham gia các chương trình huấn luyện; dạy con cách chia sẻ với người khác, cư xử lịch sự nhã nhặn, thể hiện lòng biết ơn, biết nói lời xin lỗi…
Giai đoạn 10 – 14 tuổi: Khám phá sở thích, tìm thấy giá trị bản thân, học cách bảo vệ chính mình
Khi bước vào tuổi dậy thì, bên cạnh những thay đổi lớn về tâm sinh lý, các bé gái bắt đầu chú trọng đến hình ảnh cơ thể. Các con thường sẽ cảm thấy ngại ngùng, trước sự biến đổi về ngoại hình và bỡ ngỡ trước các hiện tượng sinh lý ở tuổi mới lớn. Lúc này, mẹ cần đóng vai một người bạn để thu hẹp khoảng cách giữa mẹ và con, trao cho con các kiến thức liên quan đến giới tính, hướng dẫn con kỹ năng tự bảo vệ bản thân, cách giữ gìn tình bạn trong sáng và đối mặt với những rung động đầu đời… Đây chính là bước đệm quan trọng để con gái luôn tin tưởng và chia sẻ với mẹ mọi thứ một cách cởi mở.
Nguồn ảnh: Internet
Bên cạnh đó, cha mẹ cần giúp con nhận ra ưu điểm, sở thích của bản thân, gìn giữ sự tự tin cho con bằng cách hướng con đến vẻ đẹp bên trong hơn là để ý đến các tiêu chuẩn phù phiếm đầy dẫy trên mạng xã hội.
Giai đoạn 14 – 18 tuổi: Đón nhận tự do và trách nhiệm như một người lớn
Ở tuổi này, con sẽ có những buổi hẹn hò đầu tiên. Thay vì can thiệp vào cuộc sống của con, cha mẹ hãy cho con không gian riêng tư. Thay vì bí mật đọc tin nhắn, nhật ký hay xét nét các mối quan hệ cá nhân của con, cha mẹ hãy trao cho con quyền tự quyết định các vấn đề liên quan đến bản thân con. Chắc chắn con sẽ không tránh khỏi vấp ngã nhưng sai lầm sẽ giúp con trưởng thành và học cách tự chịu trách nhiệm như một người lớn.
Nhà giáo dục Suhomlinski từng nói: “Mỗi đứa trẻ là một cá thể đặc biệt và duy nhất”. Hãy giúp con gái trở thành một phụ nữ độc lập, tự tin và nổi bật bằng tình yêu thương, sự đồng hành của cha mẹ.